Nhiều bản làng bị chôn vùi sau trận lũ quét ở Lai Châu
Tin tức 24h: Trận lũ quét kinh hoàng ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu) bản làng bị chôn vùi, nhiều gia đình lâm vào cảnh côi cút: Chồng mất vợ, con mất cha… hàng trăm gia đình phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, nhiều tài sản bị cuốn theo dòng lũ. Cơ quan chức năng đang nỗ lực cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân, hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Trận mưa lũ lịch sử kéo dài suốt 4 ngày đã khiến con đường vào bản Na Há 1 (xã Noong Hẻo, Sìn Hồ, Lai Châu) vẫn bị mưa lũ chia cắt. Đến xã Noong Hẻo, đoạn đường hơn 3 km từ trung tâm xã vào bản chỉ toàn là bùn đất. Tại vùng rốn lũ, hàng trăm người lấm lem bùn đất miệt mài đào bới tìm thi thể nạn nhân.
Cập nhật nguồn tin xã hội ,Sáng ngày 28/6, giữa bản Nậm Há 1, gia đình anh Lò Văn Thâng (36 tuổi) tổ chức ma chay cho đứa con xấu số Lò Văn Kiếm (15 tuổi) bị lũ cuốn trôi vừa tìm thấy xác. Ngày 27/6, anh Thâng tìm thấy con trai dưới lớp bùn sâu hơn 50 cm, cạnh con suối, cách lán trại gia đình gần 300 m. Giọng anh Thâng lạc hẳn đi vì khóc con quá nhiều.
Nén nỗi đau anh Thâng kể, trưa 24/6, Kiếm đi chăn trâu. Đến hơn 14h, Kiếm gọi điện bảo bố núi lở làm sạt hết vào ruộng lúa. “Tôi đến xem thấy con ướt hết quần áo. Tôi bảo con đi tắm, thay quần áo.Khi tôi đi khơi mương nước bị đất sạt thì bất ngờ nghe thấy một tiếng nổ lớn, rồi nửa quả núi đổ về phía lán san phẳng hết cả một khu vực rộng lớn. Nó đã chôn vùi luôn con tôi. Ước gì người bị chôn là tôi chứ không phải nó”, anh Thâng nghẹn ngào nói.
Anh Lò Văn Sềnh (34 tuổi) em trai của anh Thâng, nhà ngay sau có vợ và đứa con trai 14 tuổi bị mất tích vì lũ cuốn. Giữa gian nhà sàn, anh Sềnh đặt chiếc lư hương cùng gói bánh lên cái bàn nhỏ giữa nhà làm bàn thờ tạm cho vợ và đứa con xấu số chưa tìm thấy thi thể.
Ba ngày nay, anh Sềnh khóc và đào bới tìm vợ con nhưng trong vô vọng. Anh Sềnh kể: Khi đang đi gieo mạ, 14h20 ngày 24/6, hai vợ chồng còn gọi điện cho nhau. Nghe vợ bảo mưa lớn, bùn đất từ trên núi sạt xuống làm tắc đường mương dẫn vào ruộng nên hai mẹ con ra đào thông bãi đất chèn vào ruộng. “Tôi nói vợ mưa lớn thì vào lán tránh. Khoảng một tiếng sau gọi lại cho vợ thì không được. Lo lắng chạy về thì nước suối dâng cao, chảy xiết. Nghe người thân gọi báo nhưng tôi vẫn hi vọng đó không phải là sự thật”, anh Sềnh buồn bã nói.
Nhiều người dân địa phương khi nhắc lại trận lũ quét lịch sử vừa qua vẫn chưa hết bàng hoàng. “40 năm sống ở đây, chưa bao giờ tôi thấy lũ nhanh và kinh khủng vậy. Mưa liên tục, đất no nước sạt lở, chôn vùi làng bản như động đất. Chiều 24/6, bản có 5 người bị chôn vùi”, bà Lò Thị Tí, bản Na Há 1, nói.
Dồn lực lượng cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân
Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 880 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu) Thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn, chỉ huy lực lượng tìm kiếm tại hiện trường khu vực Noong Hẻo, Sìn Hồ, Lai Châu cho biết: Từ ngày 24/6, hàng trăm chiến sỹ thuộc Trung đoàn 880, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu và Tiểu đoàn cảnh sát cơ động tỉnh Lai Châu thay nhau đào bới tại khu vực sạt lở tìm kiếm nạn nhân. Do mưa, đất đá sạt lở khối lượng lớn nên khó khăn cho việc tìm kiếm.
Rất nhiều khả năng sẽ xảy ra sạt lở tiếp, vì đất rừng no nước, nếu đưa máy xúc, máy bơm đến hiện trường. Giờ việc tìm kiếm, diễn ra bằng thủ công, cuốc xẻng và mò. Chúng tôi đang nỗ lực mọi biện pháp, không kể ngày đêm để tìm kiếm nạn nhân”, thiếu tá Sơn nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu ông Lê Trọng Quảng thông tin: Tỉnh sẽ dồn hết lực để tăng cường công tác tìm kiếm những người còn mất tích, thông các tuyến đường, đưa các hộ dân trong vùng bị cô lập, điểm có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Các nạn nhân đang bị vùi lấp trong đất đá, các lực lượng vẫn đang tích cực tìm kiếm. Tỉnh đã thực hiện công tác hỗ trợ, chỉ đạo các địa phương hỗ trợ thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình có người chết, mất tích và bị thương…
Bí thư Tỉnh Đoàn Lai Châu Anh Sùng A Nủ cho biết: Nhằm chia sẻ với những gia đình có người thân bị tử nạn trong đợt lũ quét, nhiều báo đài, đơn vị đã liên hệ qua Tỉnh Đoàn ủng hộ, thăm viếng, chia buồn với các gia đình có người thân bị lũ cuốn trôi. “Trong lúc khó khăn, hoạn nạn, người dân vùng lũ đang cần sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng. Việc các tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ đồng bào cũng là truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc”, anh Nủ nói.